{{today.type}} {{today.low}}độ:-{{today.high}}độ: 1 Đồng Tiền Việt(VND) = {{exchange.vtc}}Nhân Dân Tệ(CNY)

Nội dung bài viết 文章内容

中国宫廷艺术之美——景泰蓝

Vẻ đẹp của nghệ thuật cung đình Trung Quốc-Cảnh Thái lam

Ngày đăng:2021-03-17 10:36:45   
  Cố Cung Bắc Kinh đã lưu giữ hơn 1,8 triệu hiện vật, trong đó có hơn 4.000 đồ dùng thủ công mỹ nghệ Pháp lang với sợi khảm trên đồng tinh xảo chuyên cung cấp cho quý tộc hoàng gia sử dụng, đây chính là Cảnh Thái lam theo tên gọi dân gian. Với hơn 100 công nghệ chế tác khác nhau, khiến cho Cảnh Thái lam có giá trị vô cùng cao, có quãng thời gian 300 – 400 năm hưng thịnh trong hoàng tộc cung đình, mọi chi tiết đều thể hiện sự tôn nghiêm và xa hoa của hoàng tộc. 

 




   Cảnh Thái lam, còn gọi là “Đồng thai cáp ti pháp lang”, là một loại đồ vật được tạo nên bằng cách hàn các hoa văn được làm từ sợi đồng dẹt mềm lên trên mẫu vật bằng đồng, sau đó phủ men màu phía trong hoa văn rồi tiến hành nung. Do thịnh hành vào năm Cảnh Thái đời Minh, và sử dụng men màu xanh lam là chủ yếu, vì vậy mang tên “Cảnh Thái lam”.

   Về nguồn gốc của Cảnh Thái lam, giới khảo cổ đến nay vẫn chưa có câu trả lời thống nhất. Có người cho rằng Cảnh Thái lam xuất hiện vào đời Đường, cũng có một cách nói khác là khi Hốt Tất Liệt chinh phạt phía Tây vào đời Nguyên đã đem về Trung Quốc từ vùng Tây Á, Ả Rập, đầu tiên thịnh hành tại khu vực Vân Nam, sau đó do nhận được sự ưa chuộng của người trong kinh thành mà du nhập vào Trung Nguyên。

   Cảnh Thái lam là một phần quan trọng hình thành nên hoàng gia, tại các nơi trang trí chính của đại điện trong hoàng cung thường xuất hiện hình bóng của Cảnh Thái lam. Thời Càn Long đời Thanh, công nghệ chế tác Cảnh Thái lam đạt độ tinh xảo nhất. Từ những vật dụng nhỏ như móc treo màn trên giường, đến những đồ vật lớn như bức bình phong, thậm chí cả những tháp phật cao như một tòa nhà, cùng với các vật dụng thường ngày, trang trí kiến trúc, vật dụng tôn giáo... các vật phẩm Cảnh Thái lam xuất hiện khắp nơi trong hoàng cung. Theo ghi chép lịch sử, vào bữa cơm tất niên đêm giao thừa năm Càn Long thứ 44, chỉ có bộ đồ ăn của hoàng đế Càn Long là Cảnh Thái lam, tất cả những người khác đều sử dụng đồ sứ, có thể thấy Cảnh Thái lam là tượng trưng cho địa vị và thân phận quan trọng trong cung đình. Do vật liệu chế tác Cảnh Thái lam đắt đỏ, công nghệ chế tác phức tạp, vì vậy đời Minh và đời Thanh đều từng bố trí xưởng chuyên chế men Cảnh Thái lam trong cung đình, đồng thời nghiêm cấm tiết lộ công nghệ men màu ra ngoài, từ đó khiến cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Cảnh Thái lam trở thành độc quyền của hoàng gia. Về sau tới những năm cuối đời Thanh, mới có những người thợ rời khỏi hoàng cung vì sinh kế đem theo kỹ nghệ chế tác Cảnh Thái lam đưa vào trong dân gian.







   Bắc Kinh là nơi sản xuất quan trọng nhất của Cảnh Thái lam tại Trung Quốc. Cảnh Thái lam Bắc Kinh nổi tiếng bởi tạo hình cao quý mạnh mẽ, hoa văn chi tiết phong phú đa dạng, màu sắc thanh nhã kiểu cách, mang đến cho người ta cảm nhận nghệ thuật mượt mà, chỉn chu, lộng lẫy sang trọng, rực rỡ sắc màu, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng thế giới.

   Đặc điểm nghệ thuật của công nghệ chế tác Cảnh Thái lam có thể gói gọn bằng 4 từ, đó là hình dáng, hoa văn, màu sắc, ánh sáng. Để tạo nên đồ dùng Cảnh Thái lam tinh xảo, đầu tiên cần có tạo hình đẹp, điều này được quyết định bởi mẫu vật; ngoài ra còn cần có hoa văn trang trí đẹp, điều này được quyết định bởi sợi khảm; màu sắc rực rỡ được quyết định bởi việc điều chế vật liệu men tráng màu xanh lam; sự bóng bẩy lộng lẫy được quyết định bởi việc đánh bóng và mạ vàng. Vì vậy, đây là sự kết hợp của các kỹ thuật chuyên ngành mỹ thuật, công nghệ, điêu khắc, khảm nạm, luyện thủy tinh, luyện kim... mang trong mình phong cách dân tộc rõ nét và nội hàm văn hóa sâu sắc, có thể gọi đây là sự hội tụ công nghệ truyền thống Trung Quốc, nhờ đó mà từ xưa đã có câu nói “Một chiếc Cảnh Thái lam, mười thùng đồ Quan Diêu”

   Sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, Cảnh Thái lam đã trải qua sự biến động của thời đại và có sự phát triển rất lớn, sản phẩm bao gồm 2 loại lớn là Cảnh Thái lam và Cảnh Thái lam hoa tơ và một vài loại nhỏ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Cảnh Thái lam với tạo hình đa dạng, loại hình hoa văn phong phú đã sớm nhận được sự ưa chuộng của người dân các nước trên thế giới, trở thành đồ vật trang trí tinh xảo trong cuộc sống gia đình và sản phẩm công nghệ truyền thống đặc sắc để tặng khách quý và bạn bè.

   Ngày 20 tháng 5 năm 2006, sau khi được Quốc vụ viện Trung Quốc phê duyệt, công nghệ chế tác Cảnh Thái lam đã được liệt vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đợt 1.

                                                                                            (Nguồn: Tân Hoa Xã / tạp chí Hoa Sen ).